Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Vắc-xin ngừa Covid-19 của Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia làm giảm lượng virus trên chuột Hamster xuống còn 1%
2020-08-12
New Southbound Policy。Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NHRI) đã công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin DNA trên động vật. Sau khi được tiêm vắc-xin thử nghiệm, lượng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) trong phổi của chuột Hamster giảm xuống còn 1% so với ban đầu (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NHRI) đã công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin DNA trên động vật. Sau khi được tiêm vắc-xin thử nghiệm, lượng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) trong phổi của chuột Hamster giảm xuống còn 1% so với ban đầu (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 Lại có tin vui mới về nghiên cứu vắc-xin Covid-19! Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NHRI) đã công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin DNA trên động vật. Sau khi chuột Hamster được tiêm vắc-xin thử nghiệm, cho dù bị nhiễm một lượng lớn virus SARS-CoV-2 (COVID-19) nhưng lượng virus trong phổi của chuột Hamster vẫn có thể giảm xuống còn 1% so với ban đầu. Có thể hy vọng nhanh nhất đến nửa cuối năm 2021, vắc-xin sẽ được đưa ra thị trường.

 Đầu tháng 2 vừa qua, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia đã tập trung nghiên cứu và phát triển 4 loại vắc-xin, tìm ra được hàng chục mẫu vắc-xin để lựa chọn, cuối cùng vắc-xin DNA đã được chọn và hiện đã được chuyển giao công nghệ. Chương trình phát triển vắc-xin hiện nay do Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia và Công ty công nghệ sinh học Enimmune cùng thực hiện.

 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia – ông Liêu Kinh Luân cho biết: NHRI sử dụng chuột Hamster vào thử nghiệm trên động vật. Trước tiên, tiêm vắc-xin DNA cho chuột Hamster, sau đó cho chúng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, từ đó quan sát xem liệu vắc-xin có khả năng bảo vệ hay không.

 Kết quả thí nghiệm cho thấy chuột Hamster không được tiêm vắc-xin không những bị giảm trọng lượng và sức hoạt động kém đi rõ rệt, mà lượng virus trong phổi cũng rất cao. Trong khi đó, chuột Hamster được tiêm vắc-xin đã tạo miễn dịch, trọng lượng và sức hoạt động đều không bị ảnh hưởng nhiều, số lượng virus trong phổi cũng giảm xuống còn 1% so với ban đầu, cho thấy khả năng bảo vệ do vắc-xin tạo ra có thể ức chế một cách hiệu quả sự nhân lên của virus.

 Vắc xin DNA là một trong 4 loại vắc xin chính, có thể tạo hiệu quả kháng thể trung hòa cao nhất. Không giống như vắc-xin bất hoạt truyền thống hoặc vắc xin tái tổ hợp, vắc-xin DNA là thế hệ mới của công nghệ vắc-xin axit nucleic với ưu thế sản xuất nhanh chóng, đồng thời là một trong những loại vắc-xin chủ lực trong công tác nghiên cứu và phát triển vắc xin toàn cầu.

 Ngoài khả năng tạo ra một lượng lớn kháng thể với tốc độ nhanh chóng, vắc-xin DNA còn mang ý nghĩa phân tán rủi ro trong nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, đa số các vắc-xin của Đài Loan đều tập trung vào vắc-xin tiểu đơn vị tái tổ hợp nhưng hầu hết các dự án phát triển vắc-xin trên thế giới đều dựa trên vắc-xin axit nuleic. Vì vậy, lần này Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia quyết định phân tán rủi ro và tập trung nguồn lực vào vắc-xin DNA. Hiện nay, vắc-xin này đã đăng ký cấp bằng sáng chế của Mỹ, nhanh nhất đến quý IV năm nay sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, hy vọng có thể đưa ra thị trường vào quý III, quý IV sang năm.